Tác giả :
[ Đăng ngày: 28/10/2023 ]
"Chúng ta không như những gì chúng ta nghĩ”
CỬA SỔ JOHARI: NHÌN MÌNH BẰNG CON MẮT KHÁC
Khoảnh khắc đầu tiên mình cảm thấy “người lớn” là lúc mình nhận ra mình là 1 đứa “cứng đầu”. Mình đã từng quá tin vào những điều mình nghĩ về bản thân (cả tiêu cực và tích cực), cho đến khi mình được lắng nghe những lời chia sẻ của bạn bè cùng tham gia 1 dự án xã hội ở tổ chức A nọ. Mình hiểu ra rằng có những lúc người khác sẽ nhận ra những điều mình không thấy ở bản thân, và những góc nhìn đó là đặc biệt quan trọng để mình tìm hiểu bản thân chính mình.
Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu với các bạn “Cửa sổ Johari”, một công cụ đắc lực trong hành trình trở thành “người lớn tập sự”, hành trình tìm hiểu bản thân của mình.

1. CỬA SỔ JOHARI LÀ GÌ?
Từ hồi những năm 1955, cửa sổ Johari được sáng tạo bởi 2 nhà tâm lý học Joseph Luft và Harry Ingham (Johari là tên viết tắt của 2 người) với 2 mục đích chính:
Tìm hiểu bản thân 1 người qua cả góc nhìn của bản thân và của người khác. Xây dựng mối quan hệ sâu sắc giữa các thành viên trong nhóm qua nói chuyện và chia sẻ. Mỗi cá nhân sẽ được đại diện bởi 4 ô cửa sổ Johari, mỗi ô thể hiện những thông tin, quan điểm, niềm tin và cảm xúc của cá nhân đó và ai nắm được những thông tin này. Để dễ hiểu hơn, bạn hãy thử nhớ lại người mà mình nói chuyện cùng gần nhất và nhìn qua 4 ô cửa sau:
- Ô mở: chứa những điều mà cả bạn và đối phương đều biết. Ví dụ như những thông tin cơ bản như tên, tuổi, trường bạn đang học. Sâu hơn chút nữa thì có thể là vị trà sữa yêu thích hay 1 tài năng nào đó của bạn.
- Ô mù: những điều người khác biết về bạn mà bạn không biết nằm ở đây. Ví dụ như mình không biết rằng mình từng cứng đầu và ích kỷ thế nào cho đến khi nghe bạn cùng nhóm feedback lại ở cuối khóa học, hay qua lời chia sẻ của mẹ mình trong 1 cuộc nói chuyện gần đây.
- Ô ẩn: chứa những điều thầm kín mà bạn chưa chia sẻ cho ai. Hoặc không chia sẻ cho ai. Đó có thể là 1 khoảnh khắc xấu hổ hay 1 nỗi sợ nào đó mà bạn sợ nếu đối phương biết họ sẽ nghĩ khác về bạn. Hoặc là bạn chưa nghĩ đến việc chia sẻ điều đó bao giờ.
- Ô đóng: không ai thực sự biết ô này ẩn chứa điều gì. Ô này chứa đầy những tiềm năng chưa được khám phá, những câu chuyện chưa được tìm ra đang chờ đợi mình và bạn.

2. ĐỌC KĨ HƯỚNG DẪN TRƯỚC KHI SỬ DỤNG
Mục tiêu của chúng ta chính là mở rộng “Ô Mở” lấn sang các ô khác. Ô Mở càng rộng hơn thì các ô còn lại sẽ bé dần đi, chứng minh rằng chúng ta đang hiểu nhiều điều hơn về bản thân, và ta cũng đang dũng cảm chia sẻ nhiều hơn, thử thách nhiều hơn.
Để mở rộng “Ô Mở”, chúng ta có thể làm nhiều cách khác nhau. Và mình đã thử áp dụng Cửa sổ Johari với 1 nơi vấn đề mà mình rất ngại động đến: làm việc nhóm.
A. TỪ Ô MỞ SANG Ô MÙ
Trước hết, mình đã thử giải quyết “Ô Mù” bằng cách hỏi các teammate họ nghĩ gì về mình với tư cách là thành viên trong nhóm. Mình tưởng rằng hẳn các bạn phải hài lòng lắm khi mà suốt quá trình làm việc mình đã cực kỳ nỗ lực. Mình đã là người điều phối các cuộc họp, đưa ra quyết định, đốc thúc công việc giúp cho nhóm đạt kết quả tốt nhất có thể. Thế nhưng mình đã bất ngờ khi nhận feedback rằng mình đã “kiểm soát nhóm quá mức cần thiết”. Nhóm của mình có nhiều bạn người Nhật, và các bạn ấy không hay đưa ra ý kiến 1 cách mạnh bạo. Mình nhận ra rằng nếu mình kiềm chế lại, kiên nhẫn hơn và đón nhận các ý kiến rộng mở hơn, các bạn khác cũng sẽ có cơ hội phát triển.
B. TỪ Ô MỞ SANG Ô ẨN
Tiếp đó, mình tìm cách lấn sang “Ô Ẩn”. Nhiệm vụ của nhóm mình là tạo ra các sản phẩm truyền thông dạng video, và mình đã nhận vai trò lên kịch bản, quay và thiết kế video mặc dù kinh nghiệm của mình gần như bằng không. Mình đã chịu áp lực bởi việc phải làm ra sản phẩm tốt nhất, vì cả nhóm đang trông đợi vào mình. Các bạn ấy cũng không có kinh nghiệm, nên mình phải có trách nhiệm “gánh team”. Sau sản phẩm đầu tiên, mình nhận ra rằng việc này là quá khó, và mình quyết định nói cho cả nhóm biết rằng mình đã stress như thế nào. Thật may mắn, cả nhóm đã thông cảm với mình, và đồng ý hỗ trợ mình với những phần việc có thể chia sẻ được.
C. VÀ SANG CẢ Ô ĐÓNG!
Điều thú vị ở đây là qua quá trình vừa rồi, mình đã tìm ra được 1 điều nằm ở “Ô đóng” mà mình chưa bao giờ biết: mình ổn với việc không phải là trung tâm của nhóm. Khi mình ngừng nhận hết mọi trách nhiệm về bản thân và nói được ra rằng mình cần giúp đỡ, những người khác sẽ có cơ hội tỏa sáng nhiều hơn, và công việc cũng trôi chảy hơn. Ừ thì nhìn bản thân tự lực đạt được điều gì đó cũng thích đấy, nhưng mình tận hưởng việc nhìn người khác tiến bộ hơn nhiều.
Từ lúc nào không hay, nhóm của mình đã trở thành nhóm gắn kết hơn rất nhiều. Bọn mình chia sẻ nhiều hơn, cười đùa nhiều hơn, và hóa ra làm việc nhóm cũng không tệ đến thế.

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Cửa sổ Johari không toàn năng như các bạn nghĩ đâu, vậy nên hãy cùng chú ý những điều sau nhé!
Nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu, thì hãy bắt đầu với tâm thế rằng bạn chưa hiểu rõ về bản thân bạn đến vậy đâu. Hãy tìm đến những ai bạn tin tưởng và thường nói chuyện, hoặc đã có cơ hội làm việc cùng. Mình đã tìm đến mẹ, bạn bè, các teammate cũ và những đồng đội hiện tại đang làm việc cùng để hỏi han, và những câu trả lời mình nhận được thực sự rất đắt giá.
Hơn nữa, lời khen đã đành nhưng rất có khả năng lời chia sẻ bạn nhận được không dễ tiếp thu đâu. Đây là lúc bạn cần hạ thấp cái tôi xuống và lắng nghe, thay vì để cảm xúc khó chịu khiến bạn đưa ra những lời bào chữa vội vàng. Mình biết là rất khó để lắng nghe, nhưng mình tin là bạn làm được!
Bạn cũng nên nhớ rằng không phải điều gì từ “Ô ẩn” cũng cho sang “Ô mở” được đâu nha. Đồng nghiệp của bạn sẽ bối rối lắm khi nghe bạn kể chuyện nào đó “quá cá nhân”. Và cũng hãy cẩn thận vì không phải ai cũng biết giữ bí mật đâu.
4. VÀ MỘT ĐIỀU NỮA!
Hãy nhớ rằng cửa sổ Johari chỉ là bước đầu tiên cho việc giải quyết các vấn đề. Sau khi bạn đã hiểu được suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bản thân bạn và đối phương, bạn nên nghĩ đến câu hỏi “biết rồi thì làm gì?”.
Bạn sẽ làm gì để cải thiện mọi chuyện?

Tài liệu tham khảo
Giải thích Cửa sổ Johari cùng ví dụ: https://www.communicationtheory.org/the-johari-window-model/
Sách gốc của tác giả: The Johari Window (Luft and Ingham, 1955)
Video giải thích Cửa sổ Johari: https://youtu.be/KdYo5jn29w4
Góp ý
Họ và tên: *  
Email: *  
Tiêu đề: *  
Mã xác nhận:
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper  
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
 *
Truy cập nhanh


 

 
 

Copyright © 2023, Thư viện Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: 01 Đường Võ Văn Ngân, P. Linh Chiểu, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (+84.8) 3896 9920 - (+84.8) 3722 1223 EXT 4 8220 - 4 8229

E-mail: thuvien@hcmute.edu.vn

Truy cập tháng: 4,395

Tổng truy cập:6,680